Đi tập huấn chuyên môn về mô hình trường học mới ở Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, giờ nghỉ trưa mấy anh em ở Củ Chi rủ nhau ghé quán cà phê bên vỉa hè nghỉ ngơi vì chỗ đó có bóng cây che mát. Đang chuyện trò với nhau, tự dưng tôi thấy anh bạn vội bước xuống lề đường nắm tay người phụ nữ trẻ bán vé số bị khuyết tật ở hai chân dắt lên vỉa hè và nói: “Em ngồi nghỉ một chút để anh gọi nước cho em uống rồi đi bán tiếp, giữa trời nắng như thế này em đi chân trần không mang dép sao chịu được cái nóng của đường nhựa!”. Chuyện 50 tờ vé số trên vỉa hè trưa Sài Gòn. Người bán vé số nói lời cảm ơn, xin phép uống ly trà đá để đi bán tiếp vì sợ trời mưa là ôm hết vé số xem như bị mất vốn. Khi bạn tôi nói: “Không sao, em cứ từ từ uống nước và nghỉ mệt một chút, còn bao nhiêu vé số anh mua hết”, em cười: “Em còn 50 vé, nếu bán hết cho anh thì em mừng lắm vì hôm nay được nghỉ sớm”. Anh bạn lấy 50 tờ vé số, trả tiền vé số xong nói xin gửi thêm em 20.000 đồng đi xe ôm về nhà, khiến em cảm động nói: “Lần đầu tiên em gặp người tốt bụng làm em cảm thấy hạnh phúc và may mắn nhiều lắm”. Khi người bán vé số đi một đoạn tôi mới hỏi bạn: “Từ nào giờ tui đâu thấy ông mua vé số mà hôm nay ông mua một lần 50 vé vậy, mơ làm tỉ phú hả?”. Anh ấy cười và chậm rãi nói: “Thấy hoàn cảnh tật nguyền của em bán vé số tội quá, nếu như mình cho tiền chưa chắc em lấy vì cho rằng mình chỉ thương hại mà thôi. Tính tự trọng của con người ai cũng có, thôi thì tui mua vé số giùm như ngầm giúp đỡ em vậy”. Tôi nghe anh nói mà chợt nghĩ anh có một cách riêng giúp người khó khăn vừa nhẹ nhàng vừa đậm tình người, nhất là không để chạm vào nỗi đau riêng của người đó, đáng để chúng ta suy ngẫm câu: “Của cho không bằng cách cho”. Theo Trần Văn Tám (TP.HCM)/Tuổi trẻ